Canada muốn giới hạn du học sinh để kiềm chế giá nhà
Canada đang xem xét giới hạn số lượng sinh viên quốc tế để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nhà khiến giá cả ngày càng đắt đỏ.
Bộ trưởng Nhập cư Canada Marc Miller cho biết chính phủ đang xem xét giới hạn số lượng sinh viên quốc tế trong quý I và quý II năm nay, sau khi đối mặt nhiều chỉ trích về làn sóng nhập cư làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhà ở.
Có hơn 800.000 sinh viên nước ngoài có thị thực còn hiệu lực tại Canada vào năm 2022 (trong khi năm 2012 chỉ 275.000). “Số lượng đó thật đáng lo ngại”, Miller nói. Theo Bộ trưởng Nhập cư, lượng sinh viên đến nước này thực sự đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, ngưỡng hạn chế là bao nhiêu chưa được công bố.
Canada phụ thuộc vào nhập cư để thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ dân số già. Thủ tướng Justin Trudeau cho tăng cường nhập cư hàng năm. Nước này là điểm đến phổ biến với sinh viên quốc tế vì việc xin giấy phép lao động tương đối dễ dàng.
Cuộc khủng hoảng nhà ở được cho là do sự gia tăng người di cư và sinh viên quốc tế làm tăng nhu cầu về nhà ở, trong khi lạm phát khiến hoạt động xây dựng nhà mới chậm lại. Trước đó, tháng 8/2023, chính phủ đã đưa ra ý tưởng giới hạn số lượng thị thực cho sinh viên nước ngoài nhưng Bộ trưởng Nhà ở Sean Fraser khi đó cho biết vẫn chưa chốt chính sách này.
Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản Canada (CREA), giá trung bình của một ngôi nhà điển hình là 735.500 đôla Canada (hơn 548.000 USD) vào tháng 11/2023. Tại hầu hết tỉnh, giá nhà vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia ước tính giá nhà tại nước này đã tăng gấp đôi so với năm 2011.
Tỷ lệ bán trên lượng niêm yết mới (Sales to New Listings Ratio – SNLR) toàn quốc ở Canada hiện là 49,8%. SNLR càng cao phản ánh thị trường càng có nhiều người mua hơn người bán. Thông thường, SNLR dưới 40% mới cho thấy nguồn cung dồi dào và lợi thế thuộc về người mua.
Đến tháng 11, New Brunswick là tỉnh có SNLR cao nhất, đến 91%. Phần lớn các tỉnh đều có SNLR trên 70%. Riêng hai tỉnh lớn là Ontario và Quebec có SNLR lần lượt là 44% và 59%, được xem là cân bằng nhất nhưng vẫn trên 40%.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nhập cư chỉ là một yếu tố trong cuộc khủng hoảng nhà ở tại Canada. Các chuyên gia nói vấn đề cơ bản là nước này không xây đủ nhà. Mosche Lander, nhà kinh tế tại Đại học Concordia, lập luận rằng các chính quyền địa phương thiên về chính sách hạn chế xây dựng nhà, khiến giá bất động sản ở mức cao. Do đó, tăng dân số do nhập cư chỉ bổ sung thêm nhu cầu.
Cùng với đó, sau hơn 20 năm lãi suất thấp khiến giá nhà tăng, việc lãi suất leo thang năm ngoái đã kéo lãi vay mua nhà tại Canada nâng lên, khiến gánh nặng nợ nần lớn hơn. Nước này đang có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cao nhất G7.
Mike Moffatt, Giám đốc cấp cao tại Viện Thịnh vượng Thông minh (Đại học Ottawa) lo ngại khi cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả tiếp tục diễn ra và dòng người nhập cư đông, người Canada sẽ đổ lỗi cho việc nhập cư khiến giá nhà tăng, dẫn đến việc tìm cách hạn chế di cư.
Theo tạp chí The Conversation, các cơ sở giáo dục sau trung học của Canada vào năm 2023 chào đón khoảng 900.000 sinh viên quốc tế, so với khoảng 240.000 vào năm 2011. Từ trước đây, trường đại học đã lên tiếng phản đối ý tưởng hạn chế du học sinh vì lực lượng này được cho là đã đóng góp hơn 22,3 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Canada.
Anh Kỳ (theo Reuters, BI, The Conversation)