Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Chính phủ cần điều tiết giá địa ốc
Khi Luật Đất đai và Nhà ở có hiệu lực từ 2025, Chính phủ cần giải pháp điều tiết giá bất động sản do chi phí làm dự án tăng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.
Quan điểm này được ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu tại hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, ngày 7/3.
Theo ông Tùng, định giá đất sẽ sát thị trường hơn khi Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 2025. Tuy nhiên, chi phí làm các dự án bất động sản có thể tăng.
Vì thế, ông đề nghị Chính phủ chủ động giải pháp điều tiết giá bất động sản, thông qua phát triển mạnh phân khúc nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của người dân. Cùng đó, việc phê duyệt dự án nhà ở cũng cần được cơ quan quản lý đẩy nhanh, nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
“Chính phủ cần giải pháp, sẵn sàng can thiệp khi thị trường có dấu hiệu tăng nóng, sốt ảo”, ông nói.
Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường hồi tháng 1. Thống kê của nhiều địa phương cho thấy số hồ sơ thủ tục nộp cơ quan chức năng liên quan tới nhà đất tăng trong hai tháng đầu năm. Chẳng hạn, tại TP HCM, hồ sơ làm thủ tục đất đai tăng gần 30% so với cùng kỳ, đạt trên 67.000 bộ.
Luật sửa đổi cũng đưa ra quy định chặt chẽ hơn về công bố thông tin, dữ liệu dự án nhà ở. Do đó, ông Tùng cho rằng Chính phủ cần xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản, bởi đây sẽ là công cụ giúp tăng năng lực quản lý, điều tiết khi thị trường biến động. Việc này cũng giúp thị trường minh bạch, chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, hiện không ít dự án bất động sản gặp vướng về chuyển quyền sử dụng đất. Để gỡ vướng, ông Tùng nói Chính phủ nên sớm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền đề án thí điểm cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải là đất ở.
“Việc thí điểm nên triển khai tại một số thành phố lớn để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn lực đất đai và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”, ông Tùng cho hay.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng cần sớm có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội. Năm nay Quốc hội sẽ giám sát thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội. Chủ tịch Vương Đình Huệ yêu cầu đoàn giám sát sớm triển khai nhiệm vụ này theo kế hoạch.
Ông cũng lưu ý các cơ quan của Quốc hội giám sát tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản và Nhà ở sửa đổi. Việc này nhằm đưa các chính sách mới vào cuộc sống.
Trước đó, tại hội nghị hôm 6/3, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan này đang cùng các bộ, ngành khác đẩy nhanh tiến độ đưa ra các văn bản hướng dẫn, để các Luật Đất đai, Kinh doanh động sản và Nhà ở có hiệu lực từ tháng 7 năm nay, trước 5 tháng so với quy định.
Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. So với luật hiện hành, luật sửa đổi có 5 nhóm vấn đề mới, trong đó quy định bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; định giá, ổn định tiền thuê đất…
Tương tự, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025, đưa ra nhiều điểm mới về đơn giản thủ tục, giảm chi phí về phát triển nhà ở. Theo đó, khu vực đô thị chủ yếu thực hiện theo dự án, phân khúc, diện tích nhà phù hợp nhu cầu thị trường. UBND cấp tỉnh xác định các khu vực xây nhà ở để bán, thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để cá nhân tự xây nhà ở.
Với nhà ở xã hội, luật mới bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua; tiêu chí thu nhập mua loại nhà ở này do Chính phủ quy định.