Tin tức cập nhật

‘Địa ốc Khánh Hoà qua giai đoạn khó khăn’


Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết dù chưa đạt kỳ vọng, thị trường bất động sản tỉnh đã vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thông tin trên được nêu tại Diễn đàn “Khơi thông dòng chảy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”, do Hiệp Hội bất động sản Việt Nam và Báo Xây Dựng tổ chức chiều 18/5.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng thị trường bất động sản Khánh Hòa đã có tín hiệu khởi sắc và tăng trưởng nhất định. Ông dẫn chứng trong năm 2023, địa phương có gần 20.000 giao dịch bất động sản, với tổng giá trị gần 12.400 tỷ đồng; có 11 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư. Quý I/2024 phát sinh gần 6.000 giao dịch, với tổng giá trị là 7.630 tỷ đồng.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn KN Holdings kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH KN Cam Ranh cho biết, giai đoạn 2024, thị trường du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa được dự báo nhanh chóng hồi phục và giữ được sự tăng trưởng bền vững. Dấu hiệu tích cực là từ việc các hãng hàng không lớn đẩy mạnh các đường bay thẳng từ Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc.

Tổ hợp Mường Thanh Viễn Triều (ở giữa) gồm 6 tòa nhà là khách sạn, căn hộ du lịch, nằm gần biển Nha Trang. Ảnh: Bùi Toàn

Tổ hợp Mường Thanh Viễn Triều (ở giữa) gồm 6 tòa nhà là khách sạn, căn hộ du lịch, nằm gần biển Nha Trang. Ảnh: Bùi Toàn

Nhận định về bất động sản nghỉ dưỡng – sản phẩm phổ biến ở thị trường Khánh Hoà, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian qua lượng giao dịch kém do nguồn cung yếu, hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm giá trị cao, phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đã cắt lỗ từ trước của các chủ đầu tư.

Phần lớn giao dịch tập trung ở những dự án biệt thự nghỉ dưỡng có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng mỗi căn, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ thi công đảm bảo và các căn hộ du lịch có giá trị dưới 3 tỷ đồng. Một số dự án condotel vẫn đóng giỏ hàng, không phát sinh giao dịch do vướng mắc pháp lý.

“Để hồi sinh loại hình condotel, nhà nước cần sớm lấp đầy khoảng trống pháp lý cho người mua, quy định ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư, khách mua, đơn vị quản lý,”, ông Đính nói.

Ngoài ra, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Đính cho rằng để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án nhưng phải tôn trọng cảnh quan tự nhiên, đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch, Nhà phát triển bất động sản Newstar Group, cho biết với tư cách là một đại diện đơn vị phát triển dự án và là chủ đầu tư, đơn vị sẽ phải xem xét nghiên cứu lại nhu cầu tiêu thụ khách hàng mua sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng là gì, mong muốn cuối cùng của khách hàng là sử dụng hay cho thuê.

“Chúng tôi cần cơ cấu lại sản phẩm, cấu trúc lại diện tích và tiêu chuẩn bàn giao, đặc biệt vấn đề quản lý vận hành sau khi bàn giao” bà Huyền nói, giải thích thêm do đa số các sản phẩm này khách hàng đều mua từ xa.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3, nhóm ngành bất động sản đứng thứ hai với hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký FDI.

Nhiều chính sách, giải pháp phù hợp được Chính phủ triển khai kịp thời để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng chủ động tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

“Với những nỗ lực trên, thị trường bất động sản năm đầu năm 2024 dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có thể nói rằng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, dần có những dấu hiệu tích cực hơn và hứa hẹn sẽ khởi sắc”, ông Sinh nói.

Bùi Toàn




Source link