Doanh nghiệp toàn cầu ưu tiên sản xuất xanh
Các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang chuyển dịch sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải carbon, hướng đến mục tiêu Net Zero.
Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững là xu thế tại Việt Nam và toàn cầu. Theo báo cáo của McKinsey cuối năm 2022, doanh thu tạo ra từ các sản phẩm phát thải ròng bằng 0 có thể đạt đến 12.000 tỷ USD mỗi năm, từ 2030. Điều này cho thấy tiềm năng lớn và các doanh nghiệp toàn cầu luôn tiên phong tìm kiếm các giải pháp xanh, bền vững.
Chạy đua “xanh hóa”
Trong xu hướng chung, nhiều quốc gia đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của McKinsey, để chạy theo mục tiêu này, doanh nghiệp và các quốc gia cần khoản đầu tư đến 9.200 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2050. Trong đó, 6.500 tỷ USD hàng năm là đầu tư cho các tài sản phát thải thấp và cơ sở hạ tầng hỗ trợ (nhà máy, hệ thống máy móc, xử lý chất thải, năng lượng sạch).
Cũng theo McKinsey, 92% lãnh đạo trong số hơn 1.100 doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết sẽ hướng đến giải quyết vấn đề về phát triển bền vững ở một mức độ nhất định, đến năm 2026. 42% kỳ vọng đưa tinh thần bền vững thành trọng tâm trong giá trị doanh nghiệp. Điều này cho thấy thực tế về vai trò của “xanh hóa” trong nền kinh tế hiện đại.
Đón đầu xu hướng này, nhiều ông lớn thế giới đã tiên phong chuyển dịch sản xuất. Đơn cử như Apple. Theo công bố của Yahoo Finance, Apple là doanh nghiệp dẫn đầu trong bảng xếp hạng thân thiện môi trường 2024 với 274,9 tỷ USD doanh thu tạo ra dựa trên phát triển bền vững, chiếm gần 70% tổng doanh thu.
Kể từ năm 2015, hãng công nghệ đã giảm hơn 55% lượng khí thải trong khi vẫn tăng doanh thu 64%. Doanh nghiệp thúc đẩy năng lượng tái tạo và tính tuần hoàn của vật liệu bằng cách khử carbon cho chuỗi cung ứng. Apple buộc 320 nhà cung cấp cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho các sản phẩm. Hãng cũng đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo và đặt mục tiêu đạt 100% điện sạch vào năm 2030.
Tesla xếp thứ hai với doanh thu bền vững ước tính 81,5 tỷ USD. Năm 2023, 100% doanh thu của công ty này đến từ các sản phẩm và dịch vụ bền vững với 1,81 triệu xe điện bán ra.
Làn sóng “cách mạng xanh cũng kéo theo sự chuyển dịch của các doanh nghiệp đến các khu công nghiệp sinh thái (EIP). EIP đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua nhiều giải pháp về năng lượng, môi trường, quản lý khí thải…
Trong đó, Kalundborg (Đan Mạch) là điển hình của EIP trong bản đồ kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu. Kalundborg thành công khi hình thành hợp tác giữa 16 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa nguồn tài nguyên. Chế phẩm thừa từ một doanh nghiệp sẽ trở thành nguồn tài nguyên mới giúp tăng thêm giá trị cho một công ty khác. Chẳng hạn, công ty nhiệt điện sẽ cung cấp nhiệt thừa cho các nhà máy khác trong khu vực. Hiện nay, khu công nghiệp này là nơi đặt cơ sở sản xuất của nhiều doanh nghiệp về sinh học, dược phẩm, năng lượng.
Hàn Quốc cũng có khu công nghiệp sinh thái Ulsan – nơi tiên phong áp dụng các tiêu chuẩn về năng lượng sạch, chia sẻ tài nguyên để phát triển bền vững. Hiện nay, Ulsan là nơi đặt nhà máy sản xuất ôtô của Huyndai, nhà máy về năng lượng SK Energy… Nhiều quốc gia khác cũng hình thành mô hình công nghiệp bền vững như Chonburi (Thái Lan), Nanning (Trung Quốc), Sitra (Phần Lan).
Lợi thế của doanh nghiệp khi chuyển dịch đến các mô hình công nghiệp này là được hỗ trợ tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải nhà kính. Các quốc gia này cũng có chính sách để thúc đẩy “xanh hóa”, từ đó làm đòn bẫy tăng trưởng kinh doanh thời đại mới.
Đón đầu xu hướng công nghiệp xanh
Song hành cùng thế giới, Việt Nam cũng đưa ra cam kết Net Zero năm 2050. Trong đó, công nghiệp là một trong những trụ cột phát triển kinh tế nên chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái trở thành xu hướng tất yếu, Những quy chuẩn về mô hình này đã được Chính phủ cụ thể hóa qua các nghị định.
Đón đầu xu hướng này, Công ty Cổ phần Prodezi Long An và nhà phát triển Hướng Việt (HVH) đã quy hoạch khu công nghiệp sinh thái tiên phong tại Đồng bằng sông Cửu Long. Khu công nghiệp sinh thái Prodezi (Prodezi EIP) quy mô 400 ha, nằm ở huyện Bến Lức, Long An, cách TP HCM 5 phút di chuyển qua tuyến đại lộ Lương Hòa – Bình Chánh (đang xây dựng).
Chủ đầu tư Prodezi cho biết phát triển mô hình công nghiệp sinh thái dựa trên đánh giá khách quan về sự chuyển biến của xu hướng toàn cầu. Trong đó, các doanh nghiệp FDI ngày càng quan tâm hơn đến ESG và các yếu tố phát triển bền vững. Nhóm này có nhu cầu chuyển dịch đến những “vùng xanh” để tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa. “Việt Nam lại đang thúc đẩy yếu tố này hơn nữa lại có lợi thế về chi phí nhân công, chính sách hỗ trợ. EIP vì thế sẽ có nhiều thuận lợi để hút đầu tư”, đại diện Prodezi nhận định.
Khu công nghiệp sinh thái này tại Long An đưa ra cam kết thực hành và phát triển bền vững qua bốn nhóm trụ cột là sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng và tái chế nước, phát triển tòa nhà – kho bãi chứng nhận xanh, hình thành kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, nguồn năng lượng chính cho toàn khu đến từ mặt trời, pin lưu trữ bên cạnh điện do EVN cung cấp. Nhà máy xử lý nước thải được đầu tư có công suất lên đến 13.000 m3/ngày.đêm. Nguồn nước sau mỗi chu trình xử lý sẽ được tái sử dụng cho các mục đích khác nhau. Tận dụng lợi thế của vùng nhiệt đới, mưa nhiều, khu công nghiệp cũng sẽ lưu trữ nước mưa cho mục đích tưới tiêu. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng hướng đến phát triển bền vững thông qua tái chế tài nguyên vật liệu, giảm phát thải. Hàng năm, đơn vị sẽ lập báo cáo về phát triển bền vững ESG, công khai đến các đơn vị thuê, cơ quan chức năng.
Trên tổng quy mô 400 ha, Prodezi EIP dành 289 ha cho đất công nghiệp, kho bãi, nhà xưởng, 17 ha cho đất thương mại, dịch vụ. Hơn 30% diện tích toàn khu là cây xanh, mặt nước được phân bổ trên khắp bình diện khu công nghiệp, len lỏi trong từng cụm nhà máy, kho bãi
Với quy hoạch trên, chủ đầu tư kỳ vọng Prodezi EIPsẽ thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, có quy trình sản xuất sạch và thân thiện môi trường, chủ yếu trong các ngành dệt may, lắp ráp ôtô, điện tử, logistics, trung tâm dữ liệu.
Song song đó, để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo, chuyên gia, người lao động tại khu công nghiệp, chủ đầu tư còn phát triển khu đô thị sinh thái liền kề. Khu đô thị sinh thái LA Home quy mô 100 ha, có các loại hình nhà phố, biệt thự ven kênh, shophouse. Mật độ xây dựng khoảng 30%, không gian sống hài hòa thiên nhiên nhờ quy hoạch độc đáo. Dự án có công viên trung tâm 2,2 ha, 7 dòng kênh xanh nguyên bản, cùng hệ thống cây xanh và mặt nước lên đến 8 ha, tạo nên không gian sống cân bằng.
Với mô hình đô thị – công nghiệp sinh thái tích hợp liền kề, chủ đầu tư kỳ vọng đón đầu làn sóng FDI “xanh” với các ngành nghề công nghệ cao thời gian tới.
Hoài Phương