Tin tức cập nhật

Giá địa ốc bị đẩy vì ‘người không thiếu nhà cũng mua đầu cơ’


Phó Vụ trưởng Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng thị trường nhà ở bị đẩy giá lên cao một phần vì nhu cầu đầu cơ của những người đã có nhà rất lớn.

Nói tại hội thảo do Báo Lao động tổ chức sáng 5/7, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các phân khúc nhà ở thu hút nhu cầu đầu tư rất lớn, bên cạnh những người mua ở thực. Những người trong nhóm này, theo ông, “không thiếu nhà” nhưng vẫn muốn mua để đầu cơ, trong khi nguồn cung thị trường ít ỏi, không đáp ứng được hết nhu cầu, khiến “giá bị đẩy lên cao”.

Lãnh đạo Vụ Đất đai ghi nhận tình trạng này phổ biến với các phân khúc nhà ở bởi vừa tầm tiền, dễ mua bán với phần đông nhà đầu tư. Trong khi loại hình khác, như bất động sản công nghiệp, theo ông “không phải ai cũng đầu tư được bởi cần nguồn vốn lớn”.

Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (trái) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tô Thế

Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (trái) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tô Thế

Thị trường khan hiếm nguồn cung lại có thêm nhóm đầu cơ lớn khiến khả năng tiếp cận nhà ở của phần đông người dân ngày càng khó, theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS). Ông nói, thu nhập chung của người dân có xu hướng giảm do kinh tế khó khăn, trong khi giá nhà liên tục leo thang dẫn đến giảm khả năng mua được nhà ở.

“Giá chung cư ngoại thành giờ đã lên 60-70 triệu đồng một m2, điều tôi không ngờ trong suốt 15 năm làm nghề”, ông Khánh nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc kênh Batdongsan, cho biết chung cư đã hạ nhiệt quan tâm nhưng giá vẫn chưa giảm như kỳ vọng của phần đông người dân. Trong tháng 5, giá rao bán chung cư Hà Nội đã ngang TP HCM, đạt 50 triệu đồng mỗi m2. Đà tăng giá căn hộ tại thủ đô so với đầu năm 2023 là 31%, trong khi TP HCM chỉ tăng 6%.

Ông Quốc Anh nhìn nhận chung cư có thanh khoản tích cực bởi đáp ứng nhiều tiêu chí mà người mua và nhà đầu tư đặt ra trong thời điểm thị trường bắt đầu “đảo chiều”, gồm đáp ứng nhu cầu ở thực, pháp lý rõ ràng, có chính sách hỗ trợ tài chính tốt. Loại hình này còn đem đến lợi suất cho thuê ổn định nên được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết tháo gỡ pháp lý, thúc đẩy nguồn cung là lời giải cho những tồn tại của thị trường nhà ở nhiều năm qua. Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết dự án nhà ở thương mại bị tắc một phần do quy định chủ đầu tư muốn triển khai dự án nhà ở thương mại chỉ được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở. Thực tế, không hộ gia đình hay cá nhân nào có diện tích đất ở đủ lớn, do hạn mức giao đất tối đa 400 m2. Với doanh nghiệp, đơn vị đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác mới được quyền chuyển mục đích sử dụng, để xây nhà thương mại.

Ông Tuấn đề nghị sớm thông qua Nghị quyết thí điểm mở rộng loại đất xây nhà ở thương mại để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp đang “kẹt” vì không có đất ở.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn phát biểu tại hội thảo tháo gỡ điểm nghẽn thị trường bất động sản. Ảnh: Tô Thế

Luật sư Phạm Thanh Tuấn phát biểu tại hội thảo tháo gỡ điểm nghẽn thị trường bất động sản. Ảnh: Tô Thế

Ông Nguyễn Quốc Khánh đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoãn nợ các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch bệnh bùng phát, giúp họ tiếp cận các khoản vay tín dụng mới để triển khai dự án liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Về phía doanh nghiệp, ông Khánh khuyến nghị nên giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, “thậm chí chấp nhận bán lỗ”, dùng lợi nhuận của các năm trước để duy trì hoạt động.

“Nếu dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, doanh nghiệp nên chủ động chuyển sang phân khúc giá bình dân, sản phẩm để sử dụng, ít mang tính đầu tư để dễ bán khi tung ra thị trường”, Phó chủ tịch VARS cho hay.

Kết luận hội nghị, ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết nguồn cung khan hiếm, giá nhà leo thang, thiếu nhà giá rẻ… vẫn là những khó khăn của thị trường kéo dài nhiều năm qua.

Bộ Xây dựng đã hoàn thiện tất cả nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai, “sẵn sàng để trình Chính phủ, đảm bảo có hiệu lực khi luật có hiệu lực”. Với hai luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản, 5 nghị định do Bộ Xây dựng soạn thảo cũng đã hoàn thành, đảm bảo thực thi khi các luật cùng có hiệu lực từ ngày 1/8. Lãnh đạo Cục Nhà ở và thị trường bất động sản kỳ vọng những thay đổi trong các điều luật mới sẽ góp phần gỡ những điểm nghẽn kéo dài nhiều năm qua, thúc đẩy thị trường bất động sản hoạt động tốt hơn.

Ngọc Diễm




Source link