Loạt mặt bằng trung tâm Hà Nội, TP HCM tiếp tục bỏ trống
Loạt nhà phố vẫn bỏ trống khi chủ nhà muốn giá cao, còn người thuê cần cắt giảm tối đa chi cho mặt bằng thời kinh doanh gặp khó.
Theo ghi nhận của VnExpress, hàng loạt mặt bằng ở các tuyến phố trung tâm Hà Nội như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Bông, Phố Huế, Xã Đàn, Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng… đều bỏ trống. Trong đó, một số nhà mặt tiền chưa thể tìm được khách thuê suốt từ cuối năm ngoái đến nay.
Tại đường Kim Mã, chỉ riêng bên phía số nhà lẻ đoạn từ ngã tư giao Núi Trúc đến Nguyễn Thái Học có khoảng 30 cửa hàng đã đóng hoặc đang treo biển cho thuê mặt bằng. Trước đây, đoạn phố này tập trung đông đảo các cửa hàng quần áo, phụ kiện thời trang nữ.
Không chỉ treo biển offline, trên nhiều hội nhóm online, mỗi ngày cũng đều có hàng chục tin rao cho thuê nhà mặt phố, chuyển nhượng lại cửa hàng thời trang, spa, cà phê… tại Hà Nội. Quỳnh Anh – chủ một spa ở quận Cầu Giấy đang muốn tìm người thuê lại cửa hàng với giá 20 triệu mỗi tháng (chưa gồm tiền sang nhượng spa), khi vẫn còn hơn một quý tiền nhà. Chị đưa ra quyết định này bởi kinh doanh từ đầu năm không thuận lợi, chủ nhà gần đây cũng đánh tiếng muốn tăng 10% tiền thuê trong kỳ hợp đồng tiếp theo. Tuy nhiên, nhờ cả môi giới, lẫn tự đăng tin từ đầu tháng 5 đến nay, chị Quỳnh Anh vẫn chưa tìm được đối tác.
Shophouse cũng chung cảnh ế ẩm. Tại một dự án bàn giao từ đầu năm ngoái tại khu đô thị Tây Hồ Tây, đến nay vẫn chưa được 10 căn có khách thuê sử dụng, trong đó đã một ngân hàng Hàn Quốc thuê gộp 2 căn làm trụ sở. Nhiều khu nhà phố ở Nam Từ Liêm, Hà Đông hay Long Biên cũng không khá hơn, dù giá đầu tư mỗi căn cách đây 3-4 năm đã trên 20 tỷ.
Chị Minh Thư, môi giới chuyên bán và cho thuê nhà thổ cư trung tâm Hà Nội từ năm 2017 nhận xét chưa khi nào trong khoảng chục năm gần đây, mặt bằng đẹp lại nhiều lựa chọn như lúc này. “Trước đây, những cửa hàng ở Kim Mã, Chùa Bộc giá 15-20 triệu đồng hay một căn 4,5 tầng ở Xã Đàn khách cũ chưa đi, khách mới đã tấp nập tới xem. Nhưng hiện nay việc cho thuê khó hơn rất nhiều, ngay cả khi chủ nhà có chính sách hỗ trợ như giảm tiền cọc, thanh toán 3 tháng thay vì nửa năm một lần”, chị Thư nói.
Tương tự, tại TP HCM, hàng loạt căn nhà ở các tuyến đường đắc địa quận 1 như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Ngô Đức Kế cũng chưa thể tìm được khách thuê, thậm chí cũng có những căn đã để trống từ sau dịch.
Ông Hùng, môi giới nhiều năm chuyên nhà phố quận 1 cho biết một bất động sản trước đây từng là nhà hàng Nhật sang trọng đã bị bỏ không suốt thời gian dài. Tuy nhiên, theo ông, chủ nhà vẫn giữ giá thuê ở mức cao với khoảng 300 triệu đồng một tháng. Trên đường Lê Lợi, nhiều nhà mặt tiền cũng san sát biển cả rao bán và cho thuê.
Việc cho thuê nhà liền kề, shophouse ở khu vực quận 7 cũng không thuận lợi. Tại các tuyến đường chính ở Phú Mỹ Hưng như Nguyễn Văn Linh, Cao Triều Phát, Phan Khiêm Ích, Phạm Văn Nghị, hàng chục căn nhà cũng dày đặc các tờ giấy dán thông tin rao vặt, lẫn cho thuê.
Các căn shophouse này trước đây từng là địa điểm kinh doanh ăn uống, ngân hàng tấp nập người qua lại. Làn sóng trả mặt bằng tại quận 7 đã kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay. Dù vậy, nhiều chủ nhà vẫn quyết giữ giá cho thuê. Một căn shophouse diện tích trên 100 m2 trên đường Nguyễn Văn Linh đang được chào với giá 48-50 triệu đồng mỗi tháng. Chủ căn nhà trước từng là salon tóc này không đồng ý bớt tiền thuế, nếu thiện chí thì cũng có thể hỗ trợ giảm 4 tháng xuống còn 2 tháng tiền cọc cho khách.
Làn sóng trả mặt bằng ở Hà Nội đã diễn ra từ nửa cuối năm 2020 sau đợt dịch đầu tiên, kéo giá thuê giảm cục bộ tại một số khu vực. Nhà phố khu trung tâm được giới kinh doanh săn lùng trở lại từ giữa năm 2022. Tuy nhiên, sự ấm nóng trên thị trường cho thuê cũng không kéo dài được lâu khi tình trạng trả nhà mặt phố lại dần tái diễn từ cuối quý III năm ngoái.
Sang đầu năm nay, một số đơn vị nghiên cứu thị trường cũng nhận định tình trạng mặt bằng ế ẩm tại nhiều tuyến phố trung tâm ngày càng phổ biến. Chuyên gia tại Savills cho rằng nguyên nhân bởi giá thuê tăng cao và sự cạnh tranh gắt của thương mại điện tử. Theo đó, giá thuê bán lẻ tại tầng 1 hoặc mặt phố nhiều tuyến đường quận Hoàn Kiếm đầu năm 2024 cao hơn 20% so với trước dịch và được dự báo còn tiếp tục tăng thêm.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên tư vấn, môi giới địa có trụ sở tại quận Tây Hồ, tình trạng mặt bằng trống cũng phần nào phản ánh việc người tiêu dùng ngày càng thắt chặt hầu bao cho các hoạt động không thiết yếu. Điều này khiến nhiều cơ sở kinh doanh, nhất là cafe, ăn uống, thời trang, làm đẹp, giải trí… hoạt động chật vật hơn.
Cùng với đó, ông cũng đánh giá xu hướng mua sắm hiện nay ngày càng dịch chuyển lên môi trường online nhiều hơn khiến nhiều đơn vị (trừ các ông lớn bán lẻ, chuỗi nhà hàng cafe, ẩm thực hay thương hiệu nhượng quyền) đều giảm chi tiêu cho mặt bằng. “10-15 triệu đồng giảm chi phí thuê nhà hàng tháng cũng có thể giúp nhiều chủ kinh doanh thời trang nhỏ lẻ chuyển thành chi phí chạy quảng cáo, thuê thêm nhân viên trả lời khách, chốt đơn online”, ông nói.
Thực tế, anh Thế Mạnh kinh doanh quần áo hàng xuất khẩu tại Hà Nội từ giai đoạn 2010 đều chọn cửa hàng vị trí mặt đường ở quận Hai Ba Trưng rồi Ba Đình. Nhưng từ năm ngoái, anh cũng quyết định chuyển cửa hàng vào trong một con ngõ nhỏ hơn ở Giảng Võ vì lượng khách đến cửa hàng ngày càng giảm, hiện chủ yếu đặt mua trực tuyến – bình quân chiếm trên 70% doanh số hàng tháng.
Anh Tú – Trần Mai