Mỹ áp trần tăng giá 10% để bảo vệ người thuê nhà
Khoảng một triệu chủ cho thuê nhà giá rẻ tại Mỹ sẽ chính thức không được tăng giá quá 10% mỗi năm.
Như vậy, hàng năm, giá cho thuê sẽ không tăng quá mức trần 10%, áp dụng cho các bất động sản đã tham gia chương trình ưu đãi thuế dành cho nhà ở thu nhập thấp của chính phủ. Ước tính chính sách này có thể áp dụng cho hơn một triệu ngôi nhà.
Theo Washington Post, động thái được những người thuê nhà ủng hộ nhưng bị chỉ trích bởi chuyên gia. Một số chuyên gia lo ngại rằng việc áp trần sẽ không khuyến khích được các nhà phát triển xây dựng nhà giá rẻ, nhất là khi chi phí đã quá cao.
David Dworkin, Chủ tịch kiêm CEO Hội nghị Nhà ở Quốc gia Mỹ nói đây là động thái “cản trở việc tạo ra nguồn cung”. “Vào thời điểm bảo hiểm tăng vọt và chi phí xây dựng cố định cao, chúng ta dùng bao nhiêu cách để khiến việc xây dựng một căn hộ giá cả phải chăng trở nên khó khăn hơn?”, ông đặt vấn đề.
Ngoài ra, để nhận trợ cấp từ chương trình phát triển nhà ở giá rẻ liên bang gọi là “Tín dụng Thuế Nhà ở Thu nhập Thấp”, các nhà phát triển đã phải cam kết tuân thủ một số quy tắc về giá cho thuê, khiến nó vốn dĩ khó có thể tăng hơn 10% một năm. Các chuyên gia cho rằng còn rất ít ngôi nhà tham gia chương trình có đủ điều kiện để tăng giá thuê trên mức này và chính phủ muốn triệt tiêu nhóm thiểu số này.
Nhưng những người thuê nhà và các chuyên gia khác lên tiếng ca ngợi. Tara Raghuveer, Giám đốc Liên đoàn Liên đoàn Người thuê nhà Quốc nói đây là “chiến thắng lịch sử sẽ bảo vệ hàng triệu người thuê nhà” khỏi tình trạnh bị tăng giá thuê cao. Bà cho rằng điều đáng chú ý ở chính sách này không phải là mức trần 10% mà là tín hiệu khẳng định rằng nguồn tài trợ liên bang và các biện pháp bảo vệ người thuê nhà có thể song hành với nhau.
“Chính quyền Biden nên mở rộng các biện pháp bảo vệ như vậy đối với nguồn tài chính của liên bang – khoản trợ cấp lớn nhất cho nhà ở cho nhiều hộ gia đình”, bà Tara Raghuveer nói.
Thông báo áp trần được đưa ra vài tuần sau khi Tổng thống Biden đề xuất một số sáng kiến về nhà ở trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang khi nhà ở vẫn là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất của nền kinh tế Mỹ. Nhiều thập kỷ đầu tư không đúng mức đã dẫn đến tình trạng thiếu hàng triệu ngôi nhà.
Bộ Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) cho rằng nguồn cung sẽ không bị ảnh hưởng thêm vì mức trần mới. “Chúng tôi không phát hiện bằng chứng nào cho thấy áp trần – cho dù là thấp hơn 10% – hạn chế nguồn cung nhà ở giá rẻ mới”, Zachary Nosanchuk, Phát ngôn viên HUD cho biết.
Anh Kỳ (Reuters, Washington Post)