Tin tức cập nhật

Người Trung Quốc bán địa ốc Mỹ nhiều hơn mua


Giai đoạn 2019-2023, nhà đầu tư Trung Quốc bán 31,7 tỷ USD bất động sản thương mại tại Mỹ, gấp 15 lần giá trị họ mua vào trong cùng kỳ.

Thông tin này được nhà cung cấp dữ liệu cơ sở hạ tầng và bất động MSCI Real Assets cho biết mới đây. Xu hướng nhà đầu tư Trung Quốc thoái vốn đầu tư dự kiến tiếp tục diễn ra trong bối cảnh lãi suất cao, khiến giá trị tài sản tại Mỹ sụt giảm.

Theo một số chuyên gia, một số nhà đầu tư Trung Quốc đang gấp rút bán bất động sản ở nước ngoài để thu về tiền mặt khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng địa ốc ở trong nước ngày càng tệ hơn.

Từ năm 2019 đến năm ngoái, nhà đầu tư Trung Quốc đã bán 31,7 tỷ USD bất động sản thương mại tại Mỹ, gồm các loại như văn phòng, khu công nghiệp, khách sạn, căn hộ. Thương vụ lớn nhất trong 5 năm qua là GLP – doanh nghiệp logistics Singapore được các nhà đầu tư Trung Quốc hỗ trợ đã bán bất động sản công nghiệp cho Blackstone Real Estate Partners với giá 18,7 tỷ USD.

Ngược lại, họ chỉ mua 2,06 tỷ USD bất động sản trong giai đoạn kể trên. Con số chênh lệch gấp 15 lần này cũng có thể một phần do chính sách của Bắc Kinh nhằm kiểm soát dòng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài và hạn chế cho vay vào cuối năm 2020. Chính sách này còn được biết đến với tên gọi “Ba lằn ranh đỏ”, nhằm giảm dư nợ với lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc vốn có tính đòn bẩy cao.

Ben Chow – người đứng đầu mảng nghiên cứu bất động sản châu Á tại MSCI cho rằng có mối tương quan giữa tỷ lệ mua bán và việc thắt chặt quản lý tại thị trường tài chính Trung Quốc. Theo Chow, sau khi chính sách “Ba lằn ranh đỏ” có hiệu lực, việc thanh lý các bất động sản tại nước ngoài của các chủ đầu tư tăng lên, phần lớn trong năm 2021, 2022.

“Chúng tôi đang chứng kiến khá nhiều chủ đầu tư Trung Quốc bán tài sản không cốt lõi ở nước ngoài, để cứu vớt tình trạng khủng hoảng thanh khoản”, Shi Lulu, Giám đốc xếp hạng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tại Fitch Ratings cho biết.

Hoa Kỳ – thị trường bất động sản thương mại lớn nhất thế giới ghi nhận mức giảm giá 11% kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất tháng 3/2022. MSCI ước tính giá trị bất động sản thương mại tại Mỹ đang gặp khó khăn khoảng 85,8 tỷ USD vào cuối năm ngoái, chủ yếu các bất động sản văn phòng giảm giá và lãi suất cho vay cao hơn.

Theo Jason Bedford, người từng có kinh nghiệm phân tích về Trung Quốc tại Bridgewater và UBS, lo ngại về căng thẳng địa chính trị, nhất là chiến sự ở Ukraine cũng làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư Trung Quốc với các tài sản ở nước ngoài.

Không chỉ ở Mỹ, các công ty Trung Quốc cũng trở thành người bán lớn nhất trên thị trường bất động sản thương mại tại Australia giai đoạn 2019-2023, theo MSCI. Trong đó, họ bán 2,3 tỷ USD và mua khoảng 1,7 tỷ USD. Tương tự, họ cũng bán 6,9 tỷ USD tại thị trường Nhật Bản và mua ít hơn 1,2 tỷ USD.

Tú Anh (theo SCMP/MSCI)




Source link