Tin tức cập nhật

Nhiều doanh nghiệp xây dựng lo thiếu đơn hàng mới


Phần lớn doanh nghiệp nhỏ ngành xây dựng nói hiện vẫn chưa có đơn hàng nào cho năm 2024, lo ngại tình trạng này kéo dài khi thị trường bất động sản trầm lắng.

Chia sẻ về tình hình doanh nghiệp, ông Hà Bình Minh, lãnh đạo Công ty xây dựng Bình Minh (TP Biên Hòa, Đồng Nai), một nhà thầu nhỏ chủ yếu hoạt động tại thị trường tỉnh, cho biết đến giờ vẫn chưa có đơn hàng nào trong năm 2024.

“Tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ giữa năm ngoái đến nay. Chúng tôi chỉ có một số công trình xây sửa nhà dân để cầm cự. Tình hình này phải đến giữa năm may ra có chuyển biến”, ông Minh cho hay.

Tương tự, một doanh nghiệp xây dựng có tiếng tại TP HCM cũng cho biết đến nay chưa nhận thêm đơn hàng mới nào. Doanh nghiệp chủ yếu là thầu phụ cho các công trình nhà ở thương mại tại TP HCM và Bình Dương. “Cả năm ngoái chịu cảnh đói công trình, giờ lại tiếp tục”, lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Theo ông này, công ty đã tiếp xúc nhiều chủ thầu, chủ đầu tư dự án nhưng hầu hết đều đang chờ cấp phép xây dựng. Có những dự án đã làm việc từ đầu năm 2023 nhưng đến nay chưa thể triển khai. Nhiều chủ đầu tư có quỹ đất làm dự án nhưng tắc ở khâu pháp lý, muốn xây dựng cũng không được.

“Chúng tôi lại đang bị các nhà thầu chính chậm thanh toán, từ 2022 đến nay mới đòi được một nửa số nợ. Công ty đã dùng đến quỹ dự phòng để duy trì vận hành. Nếu năm nay tiếp tục không có đủ hợp đồng thầu mới, việc đóng cửa là khó tránh khỏi”, ông lo lắng.

Tình trạng chậm thanh toán, “găm” nợ kéo dài, chi phí gia tăng cũng khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng thận trọng, cân nhắc hơn khi tìm các đơn hàng mới vì không muốn “càng làm càng lỗ” như mấy năm rồi.

Ông Trần Văn Mạnh, lãnh đạo Công ty CP Xây dựng Tân Lộc (TP Tân An, Long An), nói doanh nghiệp gần như kiệt quệ từ hai năm trước. Cơn bão chi phí vật liệu xây dựng, nhân công tăng mạnh năm 2022 khiến khoản dự toán cho nguyên năm tăng cao, hợp đồng kéo dài trung bình từ 2-3 năm mà không thể điều chỉnh giá khiến những nhà thầu nhỏ như ông trở tay không kịp, như đi “làm không công”. Năm nay dù thiếu hợp đồng mới, doanh nghiệp cũng thận trọng, thương lượng điều khoản trước khi nhận.

Ghi nhận của VnExpress cho thấy năm 2023, nhiều nhà thầu hụt dòng tiền và đang sống bằng hợp đồng cũ với giá thấp, trong khi các chi phí đầu vào tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp của họ suy giảm mạnh.

Tại nhóm doanh nghiệp đầu ngành như Coteccons, Ricons, Hòa Bình…, biên lợi nhuận gộp năm 2023 vẫn ở mức thấp 1-2%, thậm chí nhiều công ty còn tăng trưởng âm. Các doanh nghiệp ở nhóm sau như Phục Hưng Holdings, CC1, Licogi 18, Cotana… cũng chịu cảnh lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2022.

Những khó khăn này phần nào phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh. Theo báo cáo tài chính quý III/2023, Công ty xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp đạt vỏn vẹn gần 40 tỷ đồng, giảm tới 86% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp cũng giảm về còn 2,1%. Lũy kế 9 tháng năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu giảm 51% và lỗ sau thuế gần 884 tỷ đồng.

Cũng không còn duy trì được mức lợi nhuận tốt, Công ty CP Hưng Thịnh Incons quý III/2023 chỉ lãi 1,2 tỷ đồng, giảm gần 65% so với cùng kỳ và giảm tới 97,5% so với quý trước đó. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty giảm hơn 42%, lãi sau thuế giảm gần 80%. Hay Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) lãi sau thuế 9 tháng năm ngoái giảm 79%, xuống 205 tỷ đồng.

Khảo sát mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý cuối năm ngoái, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng chưa có nhiều cải thiện. Hơn 33% doanh nghiệp ngành này cho biết tình hình kinh doanh rất khó khăn; 39,4% không có sự thay đổi và chỉ 27,4% nhận xét là tích cực hơn. Xét về hợp đồng xây dựng mới, quý IV/2023 chỉ có 24,3% doanh nghiệp ghi nhận số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng so với quý III; 49% không có sự thay đổi và 26,7% bị giảm hợp đồng.

Dự báo về tình hình kinh doanh quý đầu năm nay, 38,9% doanh nghiệp xây dựng cho rằng sẽ còn khó khăn hơn, 40,9% nhận định giữ ổn định và chỉ 20,2% dự báo thuận lợi hơn. Có hai yếu tố thường ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của doanh nghiệp xây dựng là không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao. Xét về lượng hợp đồng mới, chỉ khoảng 19,8% doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng; 49,9% nhận xét khó có thay đổi và đến 30,3% dự báo số hợp đồng mới sẽ giảm.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, nhận định sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng. Do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công khó khả thi. “Tình hình kinh doanh năm 2024 có thể cải thiện hơn khi thị trường bất động sản có những chuyển biến tích cực nhưng chưa thể hết khó”, ông nhận xét.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), sự phục hồi của ngành xây dựng phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản và việc giải ngân vốn đầu tư công. Năm nay, cả hai yếu tố này sẽ có chuyển biến tích cực hơn nhưng khó diễn ra trong “một sớm một chiều”. Vì vậy, ngành xây dựng có thể còn khó khăn thêm một thời gian nữa.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, trong bối cảnh sức khỏe nền kinh tế còn nhiều biến động, thách thức vẫn đang chờ đợi các nhà thầu, buộc các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều phải tính tới việc mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực nằm ngoài thế mạnh như xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng công nghiệp hay thậm chí tham gia sâu rộng hơn vào các dự án đầu tư công…

Doanh nghiệp xây dựng có thể phải mất thêm hai quý nữa, gần nhất là giữa năm 2024 mới có thể phục hồi hoạt động bởi những khó khăn chung của thị trường bất động sản, trong khi các dự án hạ tầng đầu tư công đòi hỏi chặng đường dài hơi.

Nguyên Tiêu




Source link