Tin tức cập nhật

Giá nhà hạng sang toàn cầu không ngừng tăng


Ngược xu hướng giảm chung, giá phân khúc bất động sản hạng sang toàn cầu vẫn tăng 3,1% năm qua, theo Knight Frank.

Lãi vay tăng, lạm phát và kinh tế bất ổn đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói chung vào năm ngoái, khiến giá cả và khối lượng giao dịch suy giảm. Tuy nhiên, phân khúc cao cấp diễn biến ngược dòng khi người giàu tăng gom hàng nhờ thị trường chứng khoán phục hồi, theo Knight Frank.

“Khi danh mục đầu tư phục hồi vào năm 2023, khách hàng giàu có đã nhắm mục tiêu vào bất động sản nhà ở tại các thị trường xa xỉ trên thế giới”, Liam Bailey, Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Knight Frank, cho biết.

Trong danh sách 100 thị trường được Knight Frank theo dõi, giá bất động sản cao cấp tại Manila (Philippines) tăng mạnh nhất, đến 26%. Theo Philstar, tính đến tháng 12/2023, các dự án chung cư đắt hàng đầu nơi đây có thể kể đến như: Khu dân cư Banyan Tree (46.800 USD/m2); Balmori Suites (35.100/m2) hay Aurelia Residences (25.200 USD/m2).

Một góc thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Pixabay

Một góc thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Pixabay

Đứng sau tốc độ tăng giá của bất động sản cao cấp Manila là Dubai và Bahamas, cùng ở mức 15%. Ngược lại, giá phân khúc này giảm nhẹ 2% ở New York và London, thấp hơn lần lượt 8% và 17% so với mức đỉnh.

Knight Frank dự báo giá nhà hạng sang toàn cầu năm nay sẽ tiếp tục tăng, ở mức 2,5%. Kate Everett-Allen, Trưởng bộ phận nghiên cứu dân cư quốc tế tại Knight Frank nói triển vọng là do vài yếu tố. Theo đó, một số khách hàng tin rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua, lạm phát dần hạ nhiệt và chu kỳ thắt chặt tiền tệ đang khép lại. Điều này kích thích nhu cầu mua nhà.

Trong khi, nguồn cung có thể vẫn hạn chế. “Chúng tôi nhận thấy các hộ gia đình đã vay mua nhà (thời kỳ lãi suất thấp) không muốn chuyển đi, cộng với chi phí xây dựng cao, tình trạng thiếu lao động kéo dài và sự chậm trễ trong quy hoạch đã góp phần dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung mới”, bà nói.

Không giống thị trường nhà ở, bất động sản thương mại toàn cầu khó khăn hơn khi xu hướng làm việc tại nhà đẩy tỷ lệ trống lên cao và chi phí vay cao ảnh hưởng đến giá trị các tòa nhà văn phòng. Năm ngoái, vốn đổ vào bất động sản thương mại giảm 46%, do các nhà đầu tư Mỹ thoái lui.

Ngược lại, bất động sản công nghiệp và hậu cần lần đầu tiên trở thành lĩnh vực hút vốn nhiều nhất, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn cầu. Theo Knight Frank, các nhà đầu tư tư nhân là những người gom hàng tích cực nhất năm ngoái, và dự báo tiếp tục tận dụng tình trạng bất ổn trên thị trường năm nay để mua vào.

Anh Kỳ (theo Reuters)




Source link